BÁC SỸ NGUYỄN ĐÌNH NHÂN

CÔNG TY TNHH MTV Y HOA VIỆT
Address Icon
Địa chỉ: 199/51 Lê Quang Định, Phường 7, Bình Thạnh. Hồ Chí Minh
Hotline Icon
Chăm sóc khách hàng
0916 501 156
BÁC SỸ NGUYỄN ĐÌNH NHÂN
Ngày đăng: 26/12/2022 10:24 AM

Chọn nghề lấy chữ "đức" làm đầu

Xuất thân từ một gia đình nhà nho, ngay từ thuở ấu thơ, Nguyễn Đình Nhân đã được cha mẹ giáo huấn cặn kẽ về chữ đức, với mong muốn sau này Đình Nhân trở thành người có ích cho xã hội. Điều ấy đã trở thành hành trang cho anh nuôi dưỡng ước mơ theo nghề y. Đình Nhân hiểu rằng, nghề y là một nghề mà xã hội luôn cần, có tính đặc thù nghiêm ngặt: Không được làm sai, phải lấy chữ "đức" làm đầu.

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y, sau một thời gian làm việc về hồi sức cấp cứu, Nguyễn Đình Nhân quyết tâm tiếp tục theo học y học cổ truyền, bởi anh nhận thấy: Tây y là chữa bệnh gấp (chữa bệnh ở ngọn), Đông y chữa bệnh từ gốc, nếu biết kết hợp giữa Đông y và Tây y thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Anh quan niệm rằng, một thầy thuốc càng học nhiều, kiến thức rộng thì càng có nhiều khả năng chữa khỏi cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nặng. Nguyễn Đình Nhân cũng không lúc nào quên lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Trong chữa bệnh, ưu tiên người bệnh nặng trước, không vì tiền mà phải để cho người bệnh nặng chữa sau… Không được phân định người giàu, người nghèo mà phải hết lòng, hết sức để cứu chữa cho người bệnh. Là một quân nhân, anh cũng luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành y tế: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nhân cho rằng: “Sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại thể hiện tính nhân văn lớn, tính triết học cao cả, đó là việc kiên quyết phải làm trong điều trị cho bệnh nhân và thực tế đã chứng minh được sức mạnh của sự kết hợp ấy. Chỉ bác sĩ nào được trang bị đầy đủ các kiến thức về y học hiện đại và y học cổ truyền mới có khả năng vươn tới tầm hiểu biết cao. Vì thế, khi làm việc, anh thường nhắc nhở các cán bộ, bác sĩ, y tá, nhân viên trong khoa: “Các bạn không những phải giỏi về y lý, biện chứng luận trị, lý luận cơ bản của y học cổ truyền, mà còn phải nắm vững và sử dụng tốt tất cả các trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến để giúp cho chẩn đoán được nhanh, chính xác hơn. Hãy coi tất cả bệnh nhân là người thân ruột thịt của mình để mà dốc lòng, dốc sức, dùng mọi khả năng để đưa bệnh nhân thoát khỏi hiểm nghèo”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, bác sĩ Nguyễn Đình Nhân đã không ngừng học tập, tìm tòi, dùng chữ "tâm", chữ "đức" chữa bệnh cho bệnh nhân bằng phương pháp điều trị kết hợp giữa Đông y và Tây y. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân hiểm nghèo đã bình phục và khỏe mạnh trở lại. Hơn 20 năm trong nghề, các bệnh nhân của anh nhiều không nhớ hết, nhưng với các trường hợp bệnh nhân đặc biệt, anh lại không quên dù một chi tiết nhỏ. Có một trường hợp bệnh nhân bị lao phổi, điều trị 4 năm ở một bệnh viện chuyên ngành trong tình trạng BK luôn dương tính (có sự hiện diện của gien trực khuẩn lao trong bệnh phẩm mang xét nghiệm) và kháng hoàn toàn với tất cả các thuốc. Phổi bệnh nhân lúc đó xơ và hang rất nhiều, suy kiệt sức khỏe và bị bệnh viện trả về nhà, không còn cách nào để cứu chữa. Anh đã dùng phác đồ uống thuốc lao cơ bản với 5 loại thuốc và sử dụng thêm thuốc Đông y cho bệnh nhân. Điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh nhân dần dần ăn được, bớt ho, ổn định sức khỏe. Sau một tháng, bệnh nhân xét nghiệm lại và lần đầu tiên có kết quả BK âm tính (không còn trực khuẩn lao). Điều trị thêm một thời gian nữa thì bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh.

Một trường hợp ấn tượng khác nữa, năm 2003, bác sĩ Nhân điều trị cho một bệnh nhân nguyên là cán bộ cấp cao của Nhà nước, đã trải qua rất nhiều bệnh viện, bị bệnh viện trả về nhà trong tình trạng thở ô xy hỗ trợ, tiểu đường, cao huyết áp và xơ phổi; người gầy, lưỡi khô, không thể nói được. Khi thăm khám, thấy mạch bệnh nhân gần tuyệt, không thể cứu chữa được nữa, nhưng anh vẫn bốc 3 thang thuốc “sinh tân dịch” và “nhuận phế” với hy vọng thay đổi một phần nào đó tình hình này. Ba ngày sau, lưỡi bệnh nhân có biến chuyển khá, bác sĩ Nhân mừng lắm, tiếp tục đơn thuốc đó tăng cường “bổ khí”. Một tuần sau, bệnh nhân chỉ phải thở ô xy một ngày 6 tiếng (trước đó thở ô xy 24/24 giờ). Sau khoảng hai tháng, bệnh nhân bỏ hẳn thuốc tiểu đường, bởi vốn dĩ bệnh nhân không phải bệnh tiểu đường, mà do dùng thuốc nhiều mà lượng đường trong máu bị tăng lên; thuốc huyết áp cũng chỉ còn uống 1 viên. Hai tháng sau đó, bệnh nhân đi lại bình thường và khỏe mạnh trở lại. Từ cõi chết trở về, bệnh nhân đã đến thăm bác sĩ và tìm hiểu nguyên nhân sống sót của mình, lúc ấy bác sĩ Nhân giải thích rằng: Do sự can thiệp quá tích cực của y học hiện đại làm cho gốc của cơ thể bị khô kiệt khiến bệnh nhân bị cuốn vào vòng bệnh lý. Y học cổ truyền làm nhiệm vụ gỡ dần những vòng bệnh lý ấy ra và phục hồi dần dần sức khỏe cho bệnh nhân từ gốc.

Những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm thầy thuốc của bác sĩ, TS Nguyễn Đình Nhân càng khẳng định, con đường học tập, nghiên cứu, lựa chọn phương pháp điều trị kết hợp giữa Tây y và Đông y của anh hiệu quả, đúng đắn, đã cứu chữa rất nhiều bệnh nhân thoát khỏi hiểm nghèo.

Người "truyền lửa" cho các thế hệ

Với phương châm làm việc “sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, bác sĩ, TS Nguyễn Đình Nhân trở thành một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu của Viện Y học cổ truyền Quân đội nói riêng và nền y học cổ truyền Việt Nam nói chung. Anh không những được đào tạo chính quy theo hệ thống mà còn biết kết hợp nhuần nhuyễn hai nền y học Đông-Tây, nắm vững biện chứng của y học cổ truyền, làm chủ các máy móc thiết bị chẩn đoán hiện đại, như: MRI, CT, Hollter, ECHO... Trong công tác điều trị, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tận tâm tận lực, tỉ mỉ thận trọng, không để xảy ra sai sót, được nhiều bệnh nhân trong và ngoài quân đội tin tưởng, yêu mến.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nhân còn là Ủy viên Hội đồng chuyên môn miền Bắc, được giao nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Với tinh thần trách nhiệm cao, anh luôn bám sát, có thái độ đúng đắn, báo cáo kịp thời và nhanh chóng để Hội đồng và Chỉ huy trực tiếp nắm bắt được chính xác tình hình.

Nhiệm vụ quá nhiều khiến anh cứ bị xoáy trong vòng của công việc. Sự tận tâm, tận lực ấy, theo lẽ tự nhiên, đã biến anh thành người “truyền lửa” cho các thế hệ y sĩ, bác sĩ trong khoa và đơn vị tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu về Đông y. Anh chia sẻ: “Những năm gần đây, con người ngày càng hướng đến sử dụng các liệu pháp hoàn toàn tự nhiên để cải thiện cơ chế tự hồi phục của cơ thể, hiệu quả tốt hơn, ít tác dụng phụ, chất lượng cuộc sống cao hơn. Do đó, các bác sĩ trong Viện Y học cổ truyền Quân đội và bản thân tôi luôn dành trí tuệ, sức lực, thời gian để nghiên cứu mảng y học cổ truyền dựa trên y học hiện đại”.

Là thành viên của Hội đồng nghiên cứu khoa học của viện, anh đã tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài như: Nghiên cứu Đông Tây y kết hợp điều trị đột quỵ; đề tài cấp Nhà nước KC10 “Hiện đại hóa y học cổ truyền”; Chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Nghiên cứu điều trị loãng xương và hoàn thiện quy trình sản xuất viên nang Kiện cốt linh” ... nghiệm thu đạt kết quả cao, có ý nghĩa lý luận và tính thực tiễn sâu sắc.

Để cập nhật các kiến thức mới, bác sĩ Nhân thường xuyên trao đổi học thuật với các giáo sư trong và ngoài nước, tạo dựng một hành trang vững chắc để anh vừa chữa bệnh cứu người, vừa làm thầy giáo giảng dạy y học cổ truyền cho thế hệ sau. Anh tích cực lên lớp giảng “Thương hàn luận” và hướng dẫn các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ cho các học viên lớp nghiên cứu sinh, cao học; dạy “Hiện đại hóa y học cổ truyền” cho các lương y; hướng dẫn cho nhiều bác sĩ chuyên khoa 2 YHCT... Bên cạnh đó, anh còn dành thời gian để biên dịch tài liệu và phiên dịch hội thảo giao lưu học thuật quốc tế.

Với các thành tích nổi trội, nhiều năm liền, bác sĩ, TS Nguyễn Đình Nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua toàn quân, nhận nhiều bằng khen của Bộ Quốc phòng, giấy khen của Đảng bộ bệnh viện, bằng khen của Ban Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương... Và tập thể Khoa A11 trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, là trung tâm điều trị toàn diện mẫu, góp phần đưa Viện Y học cổ truyền Quân đội phát triển ở giai đoạn mới.

Bận rộn là vậy, nhưng bác sĩ Nhân vẫn luôn trăn trở với việc giữ gìn và phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam. Anh nói rằng, hiện nay Đông y và Tây y vẫn chưa có chung một tiếng nói, bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, các thầy Tây y không học về Đông y nên khó có thể bàn về Đông y được. Thứ hai, công tác quản lý về Đông y còn hạn chế nên ranh giới giữa y học cổ truyền chính thống được học hành bài bản và những thầy lang không được học hành, không có kinh nghiệm chưa được rõ ràng. Đó chính là nguyên nhân khiến nền y học cổ truyền Việt Nam không phát triển được. Bác sĩ Nhân mong rằng, các trường đào tạo Tây y nên có một thời lượng nhất định để sinh viên học thêm về Đông y; đồng thời phải bổ sung kiến thức cho những người hành nghề Đông y đơn thuần để giảm mối nguy hiểm không đáng có cho bệnh nhân.

Chia tay chúng tôi lúc trời đã nhá nhem, nhưng bác sĩ Nhân vẫn chưa được nghỉ. Anh lại tất bật với những công việc đã gạch đầu dòng trong 24 giờ của mình…

Bài và ảnh: HÀ ANH

Zalo
Hotline